Tư tưởng Kierkegaard Søren Kierkegaard

Kierkegaard thường được gọi là triết gia, nhà thần học,[24] ông tổ của triết học hiện sinh,[25] nhà phê bình văn học,[17] nhà văn hài hước,[26] nhà tâm lý học,[27] và nhà thơ.[28] Có hai ý tưởng của ông được biết đến nhiều nhất là "tính chủ quan",[29] và "bước nhảy của đức tin".[30] Bước nhảy của đức tin là khái niệm Kierkegaard sử dụng để trình bày phương cách một cá nhân có thể đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Đó không phải là một quyết định thuần lý, nhưng khi vượt qua lý trí để vươn đến một điều huyền nhiệm thì đó là đức tin. Ông cũng tin rằng khi có đức tin thì cũng là lúc xuất hiện sự hoài nghi. Lấy ví dụ, khi một người thực sự tin Thiên Chúa, cùng lúc người ấy sẽ thấy hoài nghi về sự hiện hữu của ngài; sự hoài nghi là phần lý trí của tư tưởng người ấy, nếu không có nó đức tin cũng trở thành vô nghĩa. Nói cách khác, sự hoài nghi là yếu tố căn bản của đức tin, tin Thiên Chúa hiện hữu mà không gợn chút hoài nghi về sự hiện hữu và thuộc tính nhân lành của ngài thì không phải là đức tin đích thực. Không cần phải sử dụng đức tin để tin rằng cây viết chì hoặc cái bàn đang hiện hữu khi chúng ta có thể nhìn thấy và chạm đến chúng. Cũng vậy, khi một người tin Thiên Chúa có nghĩa là người ấy không thể dùng giác quan để cảm nhận Thiên Chúa, cũng không có cách nào chạm đến ngài, nhưng người ấy vẫn tin rằng Thiên Chúa đang hiện hữu.[31]

Kierkegaard cũng nhấn mạnh đến tính cá nhân và mối quan hệ của cá nhân với thế giới bên ngoài được lập nền trên sự chiêm nghiệm và tra vấn nội tâm. Thảo luận trong Concluding Unscientific Postscript to Philosophical Fragments, ông cho rằng "tính chủ quan là chân lý" và "chân lý là tính chủ quan". Khái niệm này cần được hiểu trong nội hàm của sự phân biệt giữa chân lý khách quan và mối quan hệ chủ quan của mỗi cá nhân (lãnh đạm hoặc ủng hộ) đối với chân lý ấy. Trong một ý nghĩa nào đó, người ta có thể cùng tin vào những sự việc giống nhau liên quan đến các đức tin hoàn toàn khác nhau. Hai cá nhân có thể tin rằng nhiều người chung quanh họ đang sống trong nghèo khổ và cần được giúp đỡ, nhưng nhận thức này có thể khiến chỉ một trong hai người chịu ra tay giúp người nghèo.

Tuy nhiên, Kierkegaard thường chỉ bàn về tính chủ quan trong mối quan hệ với các vấn đề tôn giáo. Ông cho rằng sự hoài nghi là một yếu tố của đức tin, và sẽ là điều bất khả để đạt được niềm xác tín khách quan về các lẽ đạo như sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc cuộc đời của Chúa Cơ Đốc. Điều tốt nhất người ta có thể mong đợi là đi đến kết luận có lẽ các lẽ đạo Cơ Đốc là chân xác, nhưng nếu một người tin các giáo lý ấy chỉ đến mức chúng xem ra là chân xác, người ấy chưa có đức tin gì cả. Bởi vì đức tin là mối quan hệ chủ quan dẫn đến sự tin tưởng tuyệt đối các lẽ đạo ấy.[32]

Sâu thẳm trong đáy lòng mỗi người vẫn hiện hữu một niềm khoắc khoải về nỗi cô đơn giữa thế gian, sợ bị Chúa lãng quên, sợ bị chìm lắng giữa triệu triệu người. Dù tự trấn an mình bằng cách dựa vào thân bằng quyến thuộc thì lòng vẫn cứ hoang mang, khó mà dối mình rằng mối lo ấy đã được cất bỏ.[33]

—Søren Kierkegaard'.

Một chủ đề khác thu hút sự quan tâm của Kierkegaard là tính nghịch lý (paradox) của Cơ Đốc giáo. Ông nói, "Một nhà tư tưởng phủ nhận tính nghịch lý thì cũng giống như một người đang yêu phủ nhận sự đam mê". Theo Kierkegaard, không có chứng cứ tri thức cho Cơ Đốc giáo. Đức tin không thể lập nền trên những chứng cứ như thế. Đức tin Cơ Đốc là sự khẳng định một sự mâu thuẫn gay gắt không thể dung hòa được. Có một sự khác biệt vô hạn giữa sự vĩnh cửu với thời gian, giữa Thiên Chúa với con người; nhưng Cơ Đốc giáo khẳng định rằng những yếu tố này hợp nhất trong Đấng Thần Nhân (Chúa Giê-xu). Hoàn toàn bất khả cho tri thức chấp nhận sự kiện Thiên Chúa hóa thân thành người: đó là một nghịch lý chỉ có thể chấp nhận được nhờ "bước nhảy của đức tin". Nhiều người chỉ ra rằng, ở đây Kierkegaard có nhiều điểm tương đồng với Pascal.

Thiên Chúa hóa thành người là một nghịch lý tuyệt đối, không thể là gì khác hơn là hòn đá gây vấp phạm cho tâm trí con người. Do đó, đức tin không thể là một hành động của sự hiểu biết. Đức tin là một sự phiêu lưu của ý chí; và đức tin cần được làm tươi mới luôn, bởi vì sẽ luôn nảy sinh những phê phán mới đối với đức tin. Kierkegaard thường công kích tính thuần lý, nhưng ông nhìn nhận rằng điều chúng ta xem là nghịch lý lại là điều hoàn toàn hợp lý đối với Thiên Chúa. Ông viết trong nhật ký, "Sự nghịch lý trong chân lý Cơ Đốc là do chân lý này chỉ hiện hữu cho Thiên Chúa. Chuẩn mực và mục tiêu của chân lý ấy là siêu nhiên; vì vậy chỉ có đức tin mới có thể kết nối được".

Kierkegaard không ngần ngại khi ra tay hủy phá sự tin cậy của con người dành cho các định chế thay thế như triết học, thần học, hoặc hệ thống tăng lữ, mà cố đem họ quay về khởi điểm nơi họ buộc phải đặt lòng tin vào Thiên Chúa duy nhất.[34]